Có rất nhiều bài viết nói về khái niệm “hệ nhôm”, nhưng không đầy đủ, chi tiết và hơi khó hiểu. Chính vì thế bài viết này, tôi sẽ giải thích rõ về hệ nhôm là gì? Cách phân chia của hệ nhôm. Nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn, đặc biệt là các bạn mới học nghề nhôm kính.
Hệ nhôm là gì?
Hệ nhôm là một cách phân chia loại của một nhóm thanh nhôm (*) ở những nhà máy sản xuất thanh nhôm định hình. Bởi vì, một nhà máy sản xuất thanh nhôm cũng sản xuất ra nhiều loại nhóm thanh nhôm khác nhau. Do đó, họ phải có sự phân chia hệ nhôm, giống như kiểu phân dòng hay model, serie cho sản phẩm. Trong một hệ nhôm sẽ có nhiều thanh nhôm, mỗi thanh nhôm sẽ có một hình dạng, kích thước, chức năng và vị trí sử dụng khác nhau.
- (*): Nhóm thanh nhôm sẽ có nhiều thanh nhôm trong đó. Những thanh nhôm này sẽ có sự đồng bộ và đi chung với nhau.
Cách phân chia hệ nhôm
Việc sản xuất thanh nhôm định hình có nhiều mục đích sử dụng khác nhau chẳng hạn như: Nhôm để làm tủ, nhôm để làm cửa, nhôm để làm lam, nhôm để làm mặt dựng… Trong đó sự phân chia hệ nhôm sẽ thường thấy ở nhôm làm cửa và làm mặt dựng. Bởi vì nhôm sử dụng cho 2 mục đích này lại có rất nhiều loại, nên phải có sự phân biệt và sự phân biệt này đó chính là hệ nhôm. Nên ở đây tôi sẽ chỉ nói đến cách phân chia hệ nhôm ở nhôm làm cửa.
Cách phân loại hệ nhôm làm cửa
Để có sự nhất quán trong sự phân chia hệ nhôm giữa nhiều nhà máy sản xuất. Thì họ sẽ dựa trên yếu tố kích thước và chủ yếu sẽ dựa vào kích thước bản dày(*1) của thanh nhôm. Cách phân chia dựa trên yếu tố kích thước bản dày (*2) không chỉ áp dụng ở những nhà máy sản xuất thanh nhôm ở Việt Nam. Mà những nhà máy sản xuất ở nhiều nước khác trên thế giới cũng áp dụng yếu tố này (*3). Tuy nhiên, cũng có một số nhà máy lại có kiểu phân chia khác (*4), mà không phải theo kích thước bản dày này. Những cách phân chia khác này thường rất ít và không phổ biến, không nhất quán.
- (*1): Cách đo bản dày của thanh nhôm là từ mặt nhôm nhìn thấy đo đến mặt khuất phía sau. Dễ hiểu hơn là đo bản dày thanh nhôm như đo độ dày của tường.
- (*2): Kích thước bản dày của các thanh nhôm trong một hệ nhôm không phải tất cả đều bằng nhau mà có sự khác nhau. Kích thước bản dày được lấy làm tên gọi thường sẽ là kích thước bản dày của khung bao cửa. Con số kích thước thực tế có thể sẽ lớn, hoặc nhỏ hơn với kích thước của tên gọi.
- (*3): Cách phân chia theo kích thước này không những áp dụng ở nhôm làm cửa. Mà còn áp dụng cho cả các thanh nhựa uPVC làm cửa nhựa lõi thép và trên toàn thế giới.
- (*4): Phân chia khác ở đây có rất nhiều cách như khả năng chịu lực của thanh nhôm, hình dạng của thanh nhôm, kích thước bản rộng của thanh nhôm… Không có sự thống nhất theo cách phân chia cụ thể nào.
Những ví dụ về tên gọi hệ nhôm
Để các bạn dễ hiểu hơn thì tôi sẽ đưa ra một số ví dụ như sau:
- Xingfa hệ 55: Thì kích thước bản dày của khung bao là 54.8mm. Những kích thước bản dày của thanh khác trong hệ này có thanh 54.8mm, có thanh 50mm, có thanh nhỏ hơn và không nhất định là 55mm.
- Xingfa hệ 93: Kích thước khung bao khoảng 93.4mm, những thanh khác có thể 39mm, 33mm, 22mm…
- Hệ nhôm 1000: Hệ này lại không dựa nhiều trên kích thước mà lại dựa trên mức độ võng của thanh ngang. Có nghĩa là nếu thanh ngang dài hơn 1000mm thì sẽ bị võng. Đây là ví dụ về kiểu phân chia khác cho hệ nhôm.
Kết luận hệ nhôm là gì
Như vậy bạn có thể hiểu đơn giản: Hệ nhôm chỉ là tên gọi của một nhóm thanh nhôm được phân chia bởi nhà máy sản xuất thanh nhôm định hình. Tên gọi này giống như kiểu phân loại, model ở các sản phẩm khác mà bạn thường thấy. Chủ yếu để dễ phân biệt, dễ nhớ giữa nhiều nhóm thanh nhôm trong một nhà máy sản xuất.