Công Thức Tính Làm Cửa Nhựa Lõi Thép Và Cửa Nhôm Hệ

Như các bạn đã biết cửa nhựa lõi thép cũng có rất nhiều loại và cửa nhôm cũng thế. Nên sẽ không có một công thức nào có thể tính được cho tất cả các loại cửa này. Chính vì vậy, tôi sẽ hướng dẫn các bạn tự tạo ra công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép và cửa nhôm hệ. Với hướng dẫn này, cho dù có loại nhôm mới, hay nhôm bạn chưa bao giờ sờ đến cũng có thể sản xuất được.

Những lưu ý quan trọng trong việc tạo công thức tính

Đây là một số chú ý cực kỳ quan trọng, bởi vì đây là phần gốc rễ trong sản xuất. Nắm rõ được phần này thì bạn sẽ dễ dàng tạo ra được công thức tính cho bất kỳ loại cửa nào.

Kết cấu của cửa

Trong sản xuất thì cái khó chủ yếu là phần tính ra kích thước cánh để cắt. Nên bạn phải nắm rõ được kết cấu cửa của loại nhôm hay cửa nhựa lõi thép bạn sản xuất. Kết cấu ở đây là phần cánh và phần khung bao được liên kết như thế nào. Chẳng hạn như cánh nằm lọt trong khung, hay cánh ôm mặt khung (hình minh họa dưới). Ngoài ra còn một số chi tiết khác đó là những điểm tiếp giáp giữa 2 cánh, cho những cửa 2 cánh trở lên. Do có nhiều loại cửa đi, cửa sổ nên tôi sẽ không chỉ rõ cho từng loại. Nên bạn hãy chủ động nắm rõ phần này, đây là phần quan trọng nhất mà bạn cần chú ý đầu tiên. Dưới đây là những điểm bạn cần chú ý trên kết cấu cửa.

  • Cánh ngậm: Bạn chú ý xem cánh ngậm vào khung bao như thế nào. Thường cánh sẽ ngậm vào khung bao có mức chuẩn là khoảng 8mm (sai số từ 1 đến 2mm).
  • Điểm tiếp giáp giữa 2 cánh: Với những cửa có số lượng 2 cánh trở lên thì bạn cần chú ý đến điểm tiếp giáp giữa 2 cánh này. Bởi vì cộng thêm hay trừ bớt cũng nằm ở đây, chẳng hạn như: Ở cửa lùa cánh sẽ chồng lên nhau thì bạn phải cộng thêm, ở cửa mở cánh sẽ cách nhau một khoảng bạn phải trừ đi.
Nắm rõ kết cấu cửa xem được liên kết như thế nào
Hình 1: Nắm rõ kết cấu cửa xem được liên kết như thế nào

Mặt cắt của cửa

Khi bạn đã nắm rõ kết cấu cửa, kế tiếp đến là phần mặt cắt của từng thanh nhôm và thanh nhựa. Phần mặt cắt này sẽ liên quan đến việc tạo ra công thức tính sản xuất cửa nhựa lõi thép và cửa nhôm. Ở phần mặt cắt này bạn cần chú ý nhất là kích thước của từng loại thanh. Với kích thước mặt cắt bạn có thể đo trực tiếp hoặc xin từ nhà sản xuất, nhà phân phối loại nhôm hay nhựa mà bạn làm. Bạn nắm rõ được kích thước thì bạn có thể tính được ra cánh cửa cần cắt, tính được nẹp cần cắt, tính được ra kính trước kính.

Mặt cắt ngang cửa hoàn thiện khi đóng
Hình 2: Mặt cắt ngang cửa hoàn thiện khi đóng
Kích thước mặt cắt của thanh nhôm
Hình 3: Kích thước mặt cắt của thanh nhôm

Phụ kiện sử dụng

Tuy phụ kiện đã được thiết kế phù hợp và đồng bộ, nhưng để tăng độ chính xác nhằm đóng kin khít hơn, an toàn chống trộm tốt hơn. Thì bạn cũng cần để ý đến thiết kế, kích thước, cách vận hành của loại phụ kiện sử dụng. Đây là phần nâng cao, nên bạn cũng không cần chú ý lắm khi mới bắt đầu. Khi nào bạn nắm rõ được 2 phần trên và có thể tính toán nhuần nhuyễn tạo ra được công thức làm cửa thì hãy chú ý thêm đến phần này.

Các tính tạo công thức sản xuất cửa nhựa uPVC và cửa nhôm

Để tạo công thức tính cửa nhựa lõi thép uPVC và cửa nhôm hệ thì bạn cần nắm rõ 2 phần: Kết cấu cửa và mặt cắt cửa tôi đã nêu ở trên. Nếu chưa nắm được thì bạn sẽ rất khó tính toán và có thể tính sai. Bởi vì bài viết này tôi hướng dẫn tổng hợp cho tất cả các loại, nên sẽ không có một công thức cụ thể cho từng loại. Nhưng với hướng dẫn này thì các bạn có thể làm bất kỳ loại cửa nào nếu bạn nắm rõ được cách thức, phương pháp tính mà tôi đưa ra.

Cách tính toán để tạo ra công thức tính dựa trên mặt cắt

Để các bạn để hiểu tôi sẽ đưa ra một ví dụ: Tính một bộ cửa nhôm xingfa hệ 55 2 cánh có kích thước R: 1800 x C: 2200. Bây giờ cần tính ra kích thước cắt của khung bao và cánh. Như khung bao thì dễ rồi cứ theo kích thước cửa do được mà cắt, còn ở đây chỉ tính phần cắt cánh. Ở cửa nhôm Xingfa hệ 55 thì cánh sẽ nằm lọt trong khung như ở phần kết cấu cửa tôi có nói qua. Bạn cần chú ý những điểm tôi chỉ trong hình minh họa bên dưới như sau.

Tính chiều ngang cánh cửa:

  • Chú ý điểm cuối của cây cánh tiếp xúc với phần khung bao
  • Chú ý điểm cuối của cây cánh điểm tiếp giáp giữa 2 cánh
  • Chú ý các kích thước khe hở giữa điểm cuối cánh với khung bao, và khe hở giữa điểm cuối cánh ở giữa điểm tiếp giáp 2 cánh.
Mặt cắt chiều ngang cửa nhôm Xingfa hệ 55
Hình 4: Kết cấu chiều ngang cửa nhôm Xingfa hệ 55

Ở phần cánh ngậm vào khung bao hay cánh lọt vào khung, cánh âm vào khung bao thì bạn chỉ cần chú ý đến điểm cuối của cánh cửa. Bởi vì đây là cốt lõi để tính ra kích thước của cánh cửa. Như hình trên là bạn đang chú ý đến kết cấu cửa, giờ tiếp tục đến kích thước mặt cắt thanh.

Kích thước mặt cắt thanh nhôm Xingfa hệ 55
Hình 5: Kích thước mặt cắt thanh nhôm Xingfa hệ 55

Hình trên là hình về kích thước mặt cắt của thanh nhôm, như tôi nói ở phần đầu thì đây chính là phần chú ý về kích thước mặt cắt. Từ đó mới bắt đầu ra các con số cần thiết để ra công thức tính toán.

Khe hở giữa các điểm cuối của cánh
Hình 6: Khe hở giữa các điểm cuối của cánh

Kích thước của khe hở cũng là mấu chốt dùng để tính toán ra kích thước của cánh. Kích thước khe hở này sẽ dựa trên mức chuẩn thường là cánh ngậm vào 8ly (du di tăng hoặc giảm được 1ly –  2ly). Bạn có thể xem hình minh họa về kích thước mặt cắt bên dưới.

Tính kích thước khe hở
Hình 7: Tính kích thước khe hở

Như hình minh họa ở trên lẫn bên dưới khe hở là 4ly, mà phần ở cánh ngậm vào tổng là 11ly như vậy: 11 – 4 = 7ly. 7ly ở đây là phần cánh ngậm vào khung bao, như mức chuẩn tôi nói ở trên là 8ly. Cái phần kích thước cánh ngậm này hầu hết các loại cửa nhựa lõi thép hay cửa nhôm hệ nằm ở mức 8ly và dao động sai số cho phép từ 1 – 2ly.

Tính chiều cao cánh cửa:

Ở chiều cao sẽ đơn giản hơn vì bạn chỉ cần chú ý đến độ hở của nền, còn phần trên cùng cũng sẽ tương tự như tôi nói ở trên. Bạn xem hình minh họa để dễ hiểu hơn về phần tính chiều cao cánh cửa.

Kích thước khe hở khi tính chiều cao
Hình 8: Kích thước khe hở khi tính chiều cao

Như hình trên kích thước khe hở nền là 8ly, đây là khe hở thường sử dụng. Nếu bạn làm tốt có thể là 5ly, 3ly, hoặc là 10ly nếu bạn sử dụng ngưỡng nhôm dưới. Đó là phần chiều cao bạn cần chú ý, tiếp tục sẽ là phần tạo công thức tính sản xuất cửa nhựa lõi thép và cửa nhôm hệ.

Tạo công thức tính cửa nhựa lõi thép và cửa nhôm

Dựa vào những gì tôi đưa ra ở trên bây giờ sẽ là phần tạo ra công thức cắt ra cánh cửa. Công thức tính cắt cánh sẽ như sau.

  • Chiều cao cánh: 2200 – (36 + 4) – 8 = 2152mm.
  • Chiều ngang cánh: (1800 – (36 + 4) – 5 – (36 + 4))/2 = 857.5mm

Giải thích: 

  • – (36 + 4): Con số 36 này là điểm cuối của khung bao tiếp xúc với tường đo đến điểm đầu của khe hở (xem hình 5). Số 4 là phần khe hở (hình 6). Như ở đây có thể tính gộp là là trừ 40 tuy nhiên tôi ghi nhiều vậy để bạn biết lấy chỗ nào ra mà trừ. Ở con số 36 có thể thay đổi theo loại nhôm, nhựa có nghĩa là nếu kích thước mặt cắt của khung bao có sự khác nhau. Con số 4 thì chỉ có ở những loại cửa cánh lọt trong khung, còn cánh ngậm khung sẽ không có nhé bạn.
  • – 8: Là kích thước khe hở nền (hình 8). Kích thước khe hở này bạn muốn ít hay nhiều bạn có thể điều chỉnh.
  • – 5: Là khe hở ở giữa điểm tiếp giáp 2 cánh (hình 6). Phần này chỉ có ở cửa có 2 cánh trở lên.
  • /2: Là cửa đi 2 cánh nên phải chia 2 (ví dụ ở trên).

Ở phần tạo công thức tính này bạn cần chú ý kỹ phần: “cách tính toán tạo ra công thức dựa trên mặt cắt”. Bạn nắm rõ cách tính này thì bất kỳ một loại nhôm hệ hay nhựa nào. Khi nhìn vào kết cấu, mặt cắt là bạn cũng có thể tính toán ra công thức sản xuất cửa nhôm hệ, cửa nhựa lõi thép được. Để bạn dễ hiểu hơn tôi sẽ cho thêm một ví dụ khác nữa về cửa nhựa lõi thép.

Thêm ví dụ tạo công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép uPVC

Tôi sẽ cho thêm một ví dụ nữa về cách tạo công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép. Tuy bài viết có hơi dài, nhưng nếu bạn xem kỹ từng chi tiết thì bất kỳ loại cửa nào bạn cũng có thể làm mà không cần phải nhớ nhiều. Ở ví dụ này tôi sẽ mô tả nhanh bằng hình ảnh bởi vì cũng như cách tính bên trên. Chỉ khác ở chỗ là cửa nhựa lõi thép cánh ôm vào khung. Cũng với kích thước cửa như được ví dụ ở trên.

Xem kết cấu cửa

Kết cấu cửa nhựa lõi thép 2 cánh
Hình 9: Kết cấu cửa nhựa lõi thép 2 cánh

Kích thước mặt cắt cửa

Kích thước mặt cắt cửa nhựa uPVC
Hình 10: Kích thước mặt cắt cửa nhựa uPVC

Kích thước cánh ngậm và khe hở

Kích thước khe hở và cánh ngậm vào khung
Hình 11: Kích thước khe hở và cánh ngậm vào khung

Công thức tính sản xuất cửa nhựa lõi thép

Từ những hình ảnh và những chú ý ở trên, ta sẽ có công thức tính kích thước cánh như sau:

  • Chiều cao cánh: 2200 – 32 – 8 = 2160mm
  • Chiều ngang cánh: (1800 – 32 – 8 – 32)/2 = 864mm

Giải thích:

  • – 32: Như tôi đã nói thường sẽ là cánh ngậm 8mm. Ở mặt nơi điểm cuối cánh ngậm vào là 40 và 40 – 8 = 32. 32 này là ở đó bạn có thể xem các hình mình họa sẽ hiểu điều này. Con số 32 này có thể thay đổi nhé các bạn, nếu gặp khung bao lớn hơn kích thước không phải là 40, có thể là 38, 50, hoặc là 56… (hình 10).
  • – 8: Ở chiều cao cánh -8 là trừ phần khe hở nền. Còn ở chiều ngang -8 là trừ khe hở ở giữa điểm tiếp giáp 2 cánh.
  • /2: Là cửa 2 cánh nên sẽ chia cho 2.

Đó là cách tính tạo ra công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép. Như vậy với 2 ví dụ khác nhau thì bạn đều thấy chung đặc điểm: Đó chính là chú ý về kết cấu, rồi đến kích thước mặt cắt, kích thước cánh ngậm, khe hở các loại.

Kết luận:

Với những gì tôi hướng dẫn ở trên, các bạn có thể tự tạo ra công thức sản xuất cửa nhựa lõi thép và cửa nhôm. Bạn có thể tự tính toán làm được cho mọi loại cửa nhôm hoặc cửa nhựa ngay cả loại bạn chưa bao giờ đụng đến. Tuy nhiên bạn cần phải chú ý kỹ, và tôi xin nhấn mạnh một lần nữa những gì bạn cần chú ý đó chính là: kết cấu cửa, kích thước mặt cắt. Đó là 2 phần bạn cần chú ý nhất khi muốn làm bất cứ loại cửa nào. Mọi chi tiết các bạn có thể đặt câu hỏi tại phần bình luận bên dưới.